- info@anphucdien.com.vn
- 0938186006
Quy hoạch giao thông vùng kinh tế phía Nam
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn một cho thấy, dự kiến có ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt kết nối vào sân bay trong tương lai. Tuyến số 1 kết nối đầu phía Tây sân bay Long Thành với Quốc lộ 51. Tuyến số 2 nối tuyến số 1 và đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Còn tuyến số 3 đi từ phía Đông sân bay Long Thành đến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Về đường sắt, dự kiến xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành thiết kế chạy vào đường trục trung tâm của sân bay. Ngoài ra, để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị tư vấn dự báo nhu cầu giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành.
Theo tư vấn, khu vực TP HCM là hướng kết nối quan trọng nhất, chiếm khoảng 68-73% nhu cầu giao thông kết nối của sân bay Long Thành. Do đó cần điều chỉnh quy hoạch đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 8 làn lên 10-12 làn xe. Cùng với đó là tuyến đường trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C, vượt qua sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam, kết nối vào tuyến đường trên cao số 3 để liên thông với toàn bộ hệ thống đường trên cao của TP HCM.
Các chuyên gia nhận định, khi sân bay Long Thành và các công trình giao thông trọng điểm tại các đô thị vệ tinh hình thành, toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hưởng lợi lớn. Kết nối giao thông thuận lợi giúp thúc đẩy hoạt động giao thương, đồng thời kích thích thị trường bất động sản khu vực này bứt phá trong tương lai. Trong đó, Đồng Nai là một trong những địa phương đón nhận những tín hiệu tích cực nhất từ quy hoạch giao thông.