- info@anphucdien.com.vn
- 0938186006
Cách đây vài ngày, một môi giới bất động sản tại xã Bình Khánh đăng tin rao bán lô đất nền 10.000 m2 tọa lạc tại mặt tiền Duyên Hải, xã Long Hòa, cách dự án lấn biển Cần Giờ khoảng 400 m, với giá 110 tỷ đồng. Bên bán tiết lộ lô đất này nằm trong khu quy hoạch đất ở (thổ cư), có thể chuyển đổi nhanh.
Lô đất lập tức gây xôn xao giới buôn địa ốc tại huyện đảo này bởi lẽ mức giá hơn trăm tỷ cho một ha đất hỗn hợp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng là ngưỡng chào bán kỷ lục trong vài tháng gần đây. Các lô đất lớn 2.500 - 5.000 m2 tại Long Hòa được rao tìm khách mua thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở vùng giá trên mười tỷ đồng đến hai, ba chục tỷ là cao nhất.
Nếu tính theo cách bán sỉ, lô đất này có giá 11 triệu đồng mỗi m2, mức giá rất cao đối với nền lớn nằm ngoài thị trấn và ở khu không sầm uất. Thông thường các lô đất hỗn hợp có diện tích càng to thì giá bán mỗi m2 càng rẻ vì còn phải khấu trừ nhiều chi phí liên quan đến chuyển mục đích sử dụng, trừ hao lộ giới và điều chỉnh quy hoạch, lại rất kén khách mua, chôn vốn lâu.
So với Cần Thạnh, giá đất tại Long Hòa còn khá "mềm" vì mật độ dân cư thưa thớt, hạ tầng chưa đẹp bằng. Từ sau Tết Kỷ Hợi, giá đất phổ biến được rao bán trên địa bàn xã Long Hòa đạt 8-8,5 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, vì ăn theo dự án lấn biển (đã quây hàng rào bao quanh ranh đất) tọa lạc tại xã này mà giá chào bán các lô đất lớn tại Long Hòa đang bị thổi lên rất cao. Ngoại trừ lô đất 10.000 m2 vừa được chào giá 110 tỷ đồng với lời quảng cáo cách dự án lấn biển 400 m, khá nhiều nền quy mô dăm ba nghìn m2 nằm gần đó, được chào giá 15-20 tỷ đồng.
Là chuyên gia bất động sản cá nhân nhiều năm quan sát thị trường Cần Giờ, ông Đoàn Quốc Duyệt cho biết, đầu tháng 3/2019, phương án thiết kế kiến trúc cho cầu Cần Giờ được UBND TP HCM chọn và công bố đã khiến thị trường địa ốc tại đây chuyển động nhẹ.
Diễn biến dễ thấy nhất là có nhiều nền đất và nhà liền thổ tại Cần Giờ xảy ra tình trạng chào bán với mặt bằng giá mới. 3 điểm tạo sóng là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa thường xuyên xuất hiện các mức giá rao bán bị đẩy lên rất cao. Lô đất 10.000 m2 xuất hiện mức giá chào bán 110 tỷ đồng là ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, ông Duyệt cho rằng, giá chào bán không phải là xương sống của thị trường. Đây chỉ là hư chiêu thổi giá, không có chuyện lộng giả thành chân (đùa quá hóa thật). Chỉ khi giá chào bán và giá đặt mua gặp nhau, đó mới là giá thị trường.
Ông Duyệt phân tích thêm, mức giá trăm tỷ cho một hecta đất hỗn hợp tại một địa bàn chưa có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, quy hoạch chưa ổn định và thiếu vắng các công trình thương mại tương xứng chắc chắn gây xôn xao thị trường vì chưa đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ, đất hỗn hợp (đất lúa, nông nghiệp, thổ cư, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản...) tại một số xã, huyện vùng sâu vùng xa của Sài Gòn có vị thế tương đồng với Long Hòa cũng chưa thể cào bằng mức giá 11 triệu đồng mỗi m2 cho lô lớn 10.000 m2.
Đó là chưa kể đến tại địa bàn xã Long Hòa, các khoản đầu tư đất quy mô lớn chưa thể tính toán chắc chắn được dòng tiền thu về trong ngắn và trung hạn. "Nếu giao dịch lô đất hỗn hợp một hecta ở mức giá 110 tỷ đồng, nhìn tổng thể chi phí cơ hội mà người mua phải đánh đổi là khá lớn", ông nói.