Hà Nội - đề xuất 4 huyện lên quận: Cảnh giác tin đồn sốt đất

Nhiều vấn đề

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội vừa có kiến nghị sớm đưa 4 huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông anh thành quận theo định hướng quản lý mô hình chính quyền đô thị. Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho rằng, nếu đưa 4 huyện này lên quận thì sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2.000 đại biểu HĐND cấp phường xã.

Nhận xét về kiến nghị trên, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho rằng, chuyển huyện lên quận phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, không đơn giản như đổi cái tên gọi là xong.

Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định rất rõ tại Nghị định số 62/2011/ NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận phường. Theo đó, từ huyện muốn chuyển lên quận cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về mật độ dân số; tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên; Hệ thống công trình hạ tầng đô thị phải đồng bộ, hoàn chỉnh...

Như vậy, ở đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện nhân sự mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề khác.

Nhưng nhiều huyện lại muốn lên quận, bởi khi huyện lên quận được nhiều hơn mất, đây chính là lý do khiến nhiều huyện mong muốn lên quận.

"Lâu nay, vẫn có câu chuyện xuê xoa, cho nợ tiêu chuẩn, tiêu chí khi chuyển từ huyện nên quận, từ địa bàn đô thị nông thôn sang thành phố... dẫn tới những hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn, điển hình là tình trạng nhếch nhác, lôi thôi trong các khu phố, đô thị, quận nội thành...

Do đó, cần phải tính toán, cân nhắc rất thận trọng, đặc biệt phải lưu ý tới đặc điểm của địa bàn nông thôn hoàn toàn khác với địa bàn đô thị, do đó nguyên tắc quản lý, nội dung quản lý ở nông thôn sẽ khác nguyên tắc quản lý ở đô thị.

Từ những yêu cầu quản lý, nội dung quản lý rất khác nhau nên việc bố trí nhân sự, tìm được con người quản lý cho phù hợp cũng là một vấn đề. Tôi nhắc lại, chuyển từ huyện lên quận không đơn giản cứ muốn là đẩy lên mà phải tính tới nhiều hệ lụy, ảnh hưởng khác.

Tiết kiệm được nhân sự, giảm được bao nhiêu cán bộ chỉ là một yếu tố nhưng không phải là yếu tố chính trong câu chuyện chuyển huyện lên quận. Ngược lại, còn có thể gây ra những hệ lụy", TS Lê Hồng Sơn lưu ý.

Không nên chạy theo tin đồn sốt đất

Đề xuất nâng 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh lên quận còn gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án BĐS lớn. Tại Hoài Đức, đề xuất còn được xem là cứu cánh cho nhiều dự án BĐS đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai.

"Chắc chắn thông tin chuyển từ huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý thích đầu để hưởng lợi", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cũng cảnh báo, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Tức là khi tạo ra cho một huyện nông thôn một danh xưng mới sang hơn, lớn hơn thì cũng phải trang bị cho nó các điều kiện cơ sở hạ tầng, phải đầu tư vật chất xứng tầm mới thúc đẩy được phát triển, mới giúp tạo ra các giá trị gia tăng.

Ông Đính nêu ví dụ, như ở Đông Anh, hay Vân Đồn (Phú Quốc) chính vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên huyện, thành đặc khu mà giá trị BĐS tại các địa phương này đã bị thổi lên, bị đẩy giá làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường BĐS, không mang lợi lại ích gì cho cả địa phương, xã hội và thị trường.

Do đó, ông Đính lưu ý, dù là huyện hay lên quận đều phải có cá tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được. Việc tạo ra một danh xưng mới không giúp "Quạ biến thành Công" nếu đó chỉ là một cái danh xưng không thực chất.

Lấy lại ví dụ từ Vân Đồn, vị chuyên gia cho biết: "Vân Đồn không cần lên đặc khu nữa nhưng vẫn đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bởi lẽ, Vân Đồn đang được đầu tư rất lớn vào hệ thống đường xá, sân bay, cao tốc... vì điểm này mà các nhà đầu tư đang bị hút vào Vân Đồn để đầu tư phát triển dự án. Cứ như vậy, từ đầu tư ban đầu sẽ thu hút được nhà đầu tư, khi nhà đầu tư vào lại tiếp tục đầu tư, nâng tầm giá trị của đô thị đó ngày càng tốt hơn, khi đó, giá trị đất đai cũng sẽ tăng dần theo thực tế đầu tư đó", ông Đính cho hay.

Vì thế, vị chuyên gia cảnh báo, nếu tiếp tục chạy theo cái danh xưng mà không có thực tế đầu tư thì có nguy cơ lặp lại các bài học cũ của chính Đông Anh, Hoài Đức.


"Hoài Đức mấy năm trước cũng từng cao giá trị, hứa hẹn sẽ xây dựng đô thị phát triển, văn minh... nhưng khi dự án đổ về lại không có hạ tầng kết nối, không có hạ tầng xã hội, nhà xây lên không có người về ở. Đây là nguyên nhân khiến giá trị đô thị bị giảm dần theo giá trị đầu tư và khiến việc mua bán BĐS bị chững lại", ông Đính chỉ rõ.

Từ thực tế trên, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cảnh báo các nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn, chạy theo những giá trị ảo, đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh phải ôm lấy những rủi ro.

Hoài An

Bài Viết khác

3 Cầu Nối TP HCM Với Miền Tây Tăng Vốn 1.300 Tỷ Đồng

Ba cầu qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây trên trục Động Lực nối TP HCM - Long An - Tiền Giang được điều chỉnh...

Thủ Tướng Dự Khánh Thành Công Trình Đón Làn Sóng Đầu Tư Tại Long An

(Chinhphu.vn) – Sáng 21/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khánh thành Khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông, được...

Long An Đẩy Mạnh Đầu Tư Hạ Tầng, Bất Động Sản Cần Giuộc Khởi Sắc

Quý I, Long An triển khai mở rộng 11 tuyến đường kết nối trực tiếp TP.HCM. Trong đó, 3 tuyến chính qua Cần Giuộc, tạo nên...

6 DỰ ÁN GIAO THÔNG KẾT NỐI CỤM CẢNG CÁI MÉP – THỊ VẢI

[BÀ RỊA - VŨNG TÀU] - 5 con đường và một cầu đã, đang triển khai sẽ thúc đẩy kết nối, vận chuyển hàng hóa xuất - nhập...

7 Quận Nội Thành Sài Gòn Hạn Chế Xây Cao Ốc

Thành phố sẽ tăng chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, thay thế chung cư cũ và hạn chế các dự...