- info@anphucdien.com.vn
- 0938186006
Tại Hội thảo quy hoạch đô thị TP.HCM – thực tiễn và cơ hội đầu tư sáng 30/10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ tuyến metro số 1 đang làm bình thường, thành phố đang chờ ý kiến Trung ương về chấp thuận tăng mức đầu tư. Thành phố đang tạm ứng vốn. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 70%, dự kiến đến cuối 2019, đầu 2020 thì dự án đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 sẽ đi vào đúng tiến độ.
Theo ông Tuyến, chuyện thiếu vốn cho dự án cần phải hiểu cho đúng, vì thông tin giờ toàn nghe thấy thành phố đang thiếu vốn để. Tuy nhiên, thời gian qua thành phố đều ứng được vốn nhưng do tổng mức đầu tư thay đổi theo đúng thực tế dự án mà tư vấn thiết kế ban đầu chưa đúng.
“Thành phố đã ký quyết định vay có sẵn với Nhật Bản, 35.000 tỷ đồng đã sẵn sàng, chờ các cấp thẩm quyền gật đầu thì chúng ta có vốn đó. Trong thời gian chờ nguồn vốn này, thành phố phải xin tạm ứng và đủ sức triển khai dự án này”, Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết.
Nếu tuyến Metro số 1 đưa vào hoạt động thì việc quy hoạch không gian ngầm là điều hết sức cần thiết để giảm tải áp lực cho giao thông hiện hữu. Lãnh đạo thành phố nhận định phát triển không gian ngầm là xu hướng của thế giới, tuy nhiên đây là vấn đề rất mới với Việt Nam chứ không riêng gì TP.HCM.
“Thành phố có chủ trương thuê tư vấn nước ngoài giúp thành phố xây dựng phát triển không gian ngầm, trên cơ sở những công trình hiện nay đã có sẵn. Như việc phát triển trung tâm thương mại ngầm gắn với tuyến metro số 1, sắp tới là gắn với tuyến metro số 2, 3, 4 và 5.” Ông Tuyến cho biết
Tuy nhiên để thực hiện được việc này không phải là chuyện dễ dàng trong ngắn hạn, ông Tuyến cho rằng thách thức hiện nay của thành phố đầu tiên là về giao thông như kẹt xe, kết nối thấp. Mật độ giao thông theo chuẩn cả nước 1 km2 đất có ít nhất 10 km đường thì TP.HCM chỉ mới chiếm 20%, tức 1 km2 đất chỉ được trên 2 km đường giao thông, tỷ lệ thấp nhất cả nước.
Thứ hai là về ngập, một mặt do biến đổi khí hậu, nhưng một mặt do TP.HCM đối phó với những hạn chế do chúng ta gây ra do phát triển nhanh quá. Mặt khác, các công trình mọc lên cũng gây khó thoát nước. Vấn đề thứ 3 là môi trường.
“Đó là những hạn chế do các yêu cầu phát triển, thay vì quy hoạch khách quan chúng ta lại quy hoạch theo mong muốn phát triển nên hiện chúng ta đang phải trả giá. Do vậy, quy hoạch sắp tới sẽ dựa trên đánh giá khách quan, các chiến lược kinh tế, phát triển thành phố như thế nào để xây dựng quy hoạch phát triển cho phù hợp”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhận định.
Hướng giải quyết căn cơ nhất là TP.HCM cần nâng cao chất lượng quy hoạch phù hợp phát triển chung của thành phố. Trên nền thành phố làm quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, sau đó mới làm quy hoạch đô thị. Điều này đồng nghĩa với việc định hướng phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, logistics… Trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội đạt chuẩn, thành phố sẽ phát triển vùng đất theo định hướng đó. Đây là cách làm của TP.HCM trong tương lai.
Mục tiêu phát triển thành phố đó là tiếp tục hoàn thiện phát triển đô thị mới Thủ Thiêm, giải quyết các vấn đề tồn đọng, thiếu sót với người dân. Thành phố đã có đề án phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính quốc tế, đã lựa chọn đơn vị tư vấn là Đại học Fulbright để thu thập, mời gọi chuyên gia tư vấn để xây dựng thành trung tâm tài chính quốc tế để thu hút nguồn lực tài chính quốc tế.